Nguồn gốc và ý nghĩa của lá cờ Phật giáo

Ý nghĩa lá cờ Phật giáo như thế nào? Tại sao lá cờ Phật giáo lại có 5 màu khác nhau và 5 màu đó tượng trưng cho ý nghĩa gì?
Nguồn gốc và ý nghĩa của lá cờ Phật giáo
Người phác họa ra lá cờ Phật giáo là ông Henry Steel Olcott, xem ngày thấy ông sinh vào 2/8/1832 tại New Jersey (Hoa Kỳ) và mất ngày 17/2/1907 tại Adgar (Ấn Ðộ). Ông nguyên là đại tá Hải Quân của Quân đội Hoa Kỳ. Ông có công lớn nhất trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Tích Lan (tức Srilanka - PV), từ đó nhà Phật học uyên thâm Anaragika Dharmapala người Tích Lan, môn đệ của Olcott đã khôi phục nền Phật giáo Ấn Ðộ ngày 21/1/1891 và cũng từ đó dần dần Phật giáo truyền bá sang phương Tây rồi lan tràn khắp thế giới. 

Từ khi ông Henry Steel Olcott Quy y Tam Bảo, ông đã tổ chức những trường học Phật giáo khắp xứ sở Tích Lan, từ thành thị tới thôn quê hẻo lánh. Không chỉ riêng ở Tích Lan, ông còn vận động để mở các trường học Phật giáo ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Thái Lan, Miến Ðiện, Ấn Ðộ...

Năm 1889, ông cùng Thượng Tọa Susmangala (người Tích Lan) phỏng theo sáu màu hào quang của Ðức Phật (xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp của năm màu này) đã phác họa ra mẫu cờ Phật giáo.

Lá cờ này đã được công bố trên báo Sarasavi Sandaresa vào ngày 17/4/1885 và được treo vào Lễ Phật Đản 28/4/1885. Đây cũng là lễ Phật Đản đầu tiên ở Sri Lanka dưới chế độ cai trị của thực dân Anh.

Đại tá Henry Steel Olcott đã sửa lại hình dạng của lá cờ trở thành hình dạng như bây giờ để mọi người có thể dễ sử dụng hơn. Lá cờ mới này đã được treo tại Lễ Phật Đản năm 1886.

Vào ngày 25/5/1950, Đại hội Phật giáo Thế giới đã công nhận lá cờ này là lá cờ chính thức của Phật giáo thế giới.

Tại Việt Nam, đến ngày 6/5/1951, tại chùa Từ Ðàm (TP Huế) Ðại Hội Phật giáo ba miền. Trong dịp Đại hội, Thượng tọa Tố Liên (nguyên Trụ trì chùa Quán Sứ - Hà Nội) đã tặng Ðại Hội lá cờ Phật giáothế giới và đại hội đã chấp nhận lá cờ này cũng là cờ Phật giáo Việt Nam.

“Cờ PHẬT GIÁO, trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của Phật tử trên toàn thế giới. Cờ Phật giáo còn tượng trưng cho niềm Chính tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật. Ngoài ra, cờ Phật giáo còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương, gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho Ðạo Pháp và dân tộc”.

Năm sắc theo chiều dọc lá cờ: Xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, tượng trưng cho hào quang chư Phật. Năm sắc theo chiều ngang là mầu tổng hợp tượng trưng cho ánh sáng hào quang chư Phật. Ý nghĩa của mỗi màu sắc có sự phân biệt khác nhau nhưng rất hài hòa theo phong thủy.

1. Màu xanh đậm tượng trưng cho Ðịnh căn, màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt.

2. Màu vàng lợt tượng trưng cho Niệm căn vì có Chính Niệm mới sinh Ðịnh và phát Huệ.

3. Màu đỏ tượng trưng cho Tấn căn, bởi có Tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh.

4. Màu trắng tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển và có tín căn là có Nhân Duyên với chư Phật và nguồn gốc sinh ra muôn hạnh lành.

5. Màu da cam tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sinh.

Màu tổng hợp tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới.

Như vậy, năm màu của lá cờ là biểu trưng cho ý nghĩa ngũ căn ngũ lực. Ngoài ra, nó còn biểu trưng cho ý nghĩa tinh thần hòa hợp của Phật giáo.

Phật giáo luôn chủ trương hòa bình. Vì thế, nhân loại khắp năm châu, tuy màu da chủng tộc có khác nhau nhưng Phật giáo xem nhau như tình huynh đệ một nhà.

Với tinh thần từ bi, bình đẳng, lục hòa, Phật giáo không có phân chia giai cấp hay phân biệt khác nhau màu da chủng tộc. Vì tất cả đều có chung một nguồn tuệ giác (Phật tính) như nhau.

Vì vậy, lá cờ Phật giáo ngoài ý nghĩa biểu trưng cho giáo lý, nó còn nói lên tinh thần thích nghi hòa hợp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét